Trong cuộc phỏng vấn đầu năm 2010, Báo Giáo
dục và Thời đại đã làm việc với TS. Nguyễn Kim Dung – Phó Viện trưởng Viện
Nghiên cứu Giáo dục và các vấn đề nổi cộm như thế của Việt Nam. Sau đây là
các trao đổi của phóng viên và TS. Nguyễn Kim Dung:
PV: Là một người làm công tác nghiên cứu về giáo dục,
chị có nhận xét gì về giáo dục Việt Nam 5 năm vừa qua?
Từ
những năm đầu thế kỷ 21, GD VN có những bước chuyển mới. Cùng với sự mở cửa
của đất nước, GD Việt Nam bắt đầu tiếp cận với các nền GD tiên tiến trên thế
giới, nhờ đó, có những thay đổi theo hướng hiện đại và cởi mở hơn. Tuy nhiên,
cũng do được tiếp cận với nhiều mô hình GD trên thế giới mà chúng ta nhận ra
rằng hệ thống GD của mình có nhiều vấn đề.
Trong
5 năm qua (2004-2009), chúng ta đã có những nỗ lực và mong muốn bắt kịp với
thế giới và các nền giáo dục tiên tiến. Mong muốn đó kéo theo quyết tâm ‘rút
ngắn’ thời gian, ‘đi tắt đón đầu’. Tuy nhiên, giáo dục có liên quan nhiều và
là hệ quả của các tư tưởng, quan điểm, văn hóa, nhận thức…mà đấy là những
lĩnh vực luôn có nguồn gốc, nguyên nhân sâu xa. Chính vì vậy mà trong
thời gian năm năm qua, nhiều người làm giáo dục trong chúng ta chợt nhận ra
là không thể thay đổi trên ‘ngọn’ mà phải bắt đầu từ cái ‘sâu xa’ đó, từ
‘gốc’.
PV: Những đổi mới đáng ghi nhận và những hạn chế còn
tồn tại mà chúng ta đã nhìn thấy? Chị có thể cho độc giả Báo GD&TĐ biết.
Trong
thời gian qua, hàng loạt các đổi mới và vấn đề nóng thu hút sự quan tâm của
cả hệ thống GD lẫn dư luận xã hội như: nhu cầu nâng cao chất lượng GD&ĐT,
yêu cầu tự chủ đại học, thay đổi đánh giá kết quả học tập và tiêu chuẩn đầu
ra, nhu cầu đổi mới phương pháp giảng dạy, đổi mới quản lý ở cấp hệ thống,
trường/cơ sở GD&ĐT, sự xuất hiện của các mô hình đào tạo khác nhau như
đào tạo theo nhu cầu xã hội, thay đổi đào tạo theo học chế tín chỉ, sự xuất
hiện của các loại hình trường khác nhau nhằm đáp ứng các nhu cầu đa dạng của
người học, chủ trương phân hóa, phân ban trong giáo dục trung học, nhu cầu xã
hội hóa GD, sự xuất hiện của nhu cầu có được trường đẳng cấp quốc tế… Nhìn
chung, tôi đánh giá cao sự năng động của hệ thống GD của chúng ta trong những
nỗ lực hội nhập và tìm tòi mô hình thích hợp, tuy nhiên, có rất nhiều vấn đề
mà tôi cho rằng nếu không giải quyết hoặc tránh giải quyết, chúng ta vẫn cứ
tiếp tục bị tụt hậu.
Một
trong các vấn đề đó là cơ chế quản lý của chúng ta vẫn còn nặng tính
bao cấp và thiếu sáng tạo. Theo tôi, đó là nguyên nhân của các nguyên
nhân và đó là một trong các tồn tại của hệ thống GD Việt Nam. Các tồn tại
khác: 1) Sự thiếu hiệu quả trong sử dụng và quản lý nguồn lực (bao gồm cả
nhân lực, vật lực và tài lực); 2) Sự lạc hậu so với thực tế của cơ chế tài
chính trong toàn hệ thống cấp nhà nước; 3) Sự yếu kém trong việc thu thập và
quản lý thông tin trong thời đại công nghệ thông tin của cả cấp hệ thống lẫn
cấp cơ sở…Các tồn tại này kéo theo nhiều tồn tại khác như quản lý yếu kém
và ngại thay đổi trong nhà trường theo hướng có lợi cho người học; phương
pháp giảng dạy cứng nhắc và không hiệu quả; sự thiếu minh bạch trong thông
tin về chất lượng nhà trường; bệnh chạy theo thành tích và các áp lực không
lành mạnh trong môi trường sư phạm…
PV: Theo chị, những cuộc vận động và thực hiện có chủ
đích trong lộ trình “chấn hưng” và phát triển giáo dục trong 5 năm vừa qua
như: Cuộc vận động hai không, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí
Minh, đổi mới chất lượng và quản lý giáo dục thật sự đã mang lại hiệu quả
chưa?
Tôi
chưa có các nghiên cứu về ‘Cuộc vận động hai không, học tập và làm theo tấm
gương đạo đức Hồ Chí Minh’ nên tôi chưa thể đưa ra ý kiến gì về các cuộc vận
động này. Tôi có nghiên cứu yêu cầu đổi mới chất lượng và quản lý giáo dục.
Theo tôi, còn quá sớm để kết luận rằng chúng ta đã có thể nâng cao được chất
lượng giáo dục trong vòng 5 năm qua, nhưng rõ ràng hiện nay vấn đề chất lượng
đang thu hút sự quan tâm của tất cả các tầng lớp khác nhau trong xã hội. Các
vấn đề có liên quan như yêu cầu đảm bảo chất lượng, kiểm định chất lượng đang
được các trường chú ý hơn và do đó, gây áp lực lên các nhà quản lý, bắt buộc
phải có các thay đổi. Tuy nhiên, có thể thấy văn hóa chất lượng còn là công
việc dài hơi mà chúng ta phải theo đuổi. Như tôi đã đề cập ở trên, hệ thống
giáo dục của chúng ta còn nhiều bất cập và tồn tại để có thể thật sự mang lại
hiệu quả mong muốn. Chính vì vậy, để đạt được các mục tiêu quốc gia đã đề ra
trong dự thảo chiến lược phát triển giáo dục, chúng ta cần ít nhất hơn 10 năm
nữa.
PV: Những thắng lợi về mặt văn hóa, tư tưởng, thậm chí
là về mặt tư duy trong mọi tầng lớp nhân dân trong xã hội về cái gọi là làm
giáo dục ít nhiều đã thể hiện rõ. Theo chị, phải chăng nền giáo dục của chúng
ta đang đi đúng hướng?
Khi
đất nước mở cửa, dù muốn hay không giáo dục của chúng ta cũng phải mở cửa. Có
thể nói, sau khi chính sách đổi mới, mở cửa ra đời, kinh tế Việt Nam đã có sự
biến chuyển rõ rệt, dẫn đến những thành tựu mang tính đột phá trong các lĩnh
vực như công nghệ thông tin, nông nghiệp, công nghiệp nhẹ... Giáo
dục, do đó, bắt buộc phải thay đổi theo hướng đáp ứng nhu cầu giáo dục và đào
tạo nguồn nhân lực cho xã hội. Ở góc độ này, tôi cho là chúng ta đang đi
đúng hướng.
Tuy
nhiên, dù xác định đúng hướng phát triển, việc thực hiện lại có rất nhiều bất
cập và con đường mà giáo dục Việt Nam đang đi không phải lúc này cũng theo lộ
trình đã vạch ra, thậm chí, có khi đi chệch, phải quay lại. Trước đây, và đặc
biệt là hiện nay, hầu hết người dân Việt Nam đều nhận ra vai trò của giáo
dục. Càng ngày càng nhiều người có mong muốn tiếp cận với giáo dục
bậc cao và đó là các yêu cầu chính đáng. Ai cũng hiểu là muốn có một nền giáo
dục chất lượng, chúng ta phải tốn rất nhiều tiền, tuy nhiên, không phải ai
cũng hiểu là nếu bằng lòng với giáo dục rẻ tiền, chúng ta càng phải trả giá
nhiều lần hơn nữa. Cách làm giáo dục hiện nay của chúng ta vẫn chưa thật sự
hiệu quả và đôi lúc, làm chậm quá trình phát triển.
Tuy
nhiên, như tôi đã nói, nhìn chung, giáo dục của chúng ta đang hướng đến sự
hội nhập và đã vạch ra được cho mình một lộ trình phải đi.
PV: Nếu nói là thành công và đang đi đúng lộ trình. Vậy
nhiệm vụ trọng tâm trong vài năm tới của giáo dục Việt Nam sẽ là gì?
Tôi
nghĩ, là thực hiện kế hoạch chiến lược của giáo dục Việt Nam.
PV: Chị có nghĩ, giáo dục ĐH của chúng ta cần phải có
sự đổi mới và “lột xác” hoàn toàn không khi nhiều chuyên gia cho rằng giáo
dục ĐH của chúng ta đang lỗi thời.
Theo
tôi, hiếm có nền giáo dục nào có thể phát triển trên nền tảng ‘đảo lộn’ hoàn
toàn. Dù muốn dù không, chúng ta vẫn phải chấp nhận những gì mà mình đang có
và cố gắng xây dựng cái mới trên nền tảng đó. Tôi hoàn toàn đồng ý rằng có
rất nhiều ‘thứ’ trong hệ thống GD ĐH Việt Nam đã rất lỗi thời, ví dụ như cách
quản lý giảng viên/nhân viên như hiện nay, qui trình xây dựng chương trình,
hệ thống trả lương/công, cách quản lý hiệu quả công việc…Tuy nhiên, rõ ràng
không thể phủ nhận là có nhiều trường ĐH hiện nay đang có nhiều thay đổi theo
hướng tốt hơn, tiến bộ hơn. Nếu có muốn ‘lột xác’, theo tôi, nên
‘lột’ từ trên, nên thay đổi từ cách quản lý, từ cơ chế. Khi chúng ta có một
cơ chế quản lý tốt, nhiều cái khác sẽ thay đổi. Kinh nghiệm làm việc với
các trường ĐH của tôi cho thấy rằng sẽ rất khó có thể thay đổi nếu như các
nhà lãnh đạo không tham gia vào và không đưa ra các quyết định đúng. Các nhà
lãnh đạo ở các trường ĐH cũng vậy, cũng cần có chỉ đạo từ cấp trên của mình
để ra quyết định.
PV: Là một chuyên gia nhiều năm nghiên cứu về các quy
luật phát triển của giáo dục, cũng như những đổi thay mang tính quy luật. Chị
đánh giá thế nào về chất lượng giáo dục các bậc học ( giáo dục toàn diện và
các kỹ năng mềm) hiện nay của chúng ta?
Tôi
chưa có các nghiên cứu nhiều về bậc tiểu học và trung học cơ sở. Lĩnh vực mà
tôi đang nghiên cứu có liên quan đến GD ĐH nhiều hơn. Hiện tôi đang nghiên
cứu về chương trình giáo dục trung học phổ thông. Theo tôi, giáo dục phổ
thông của chúng ta đã có rất nhiều ưu điểm, đặc biệt là trong việc giáo dục
thanh thiếu niên trong độ tuổi đến trường (vốn chiếm một tỉ lệ lớn/dân số
Việt Nam) trong một điều kiện còn quá nhiều thiếu kém về cơ sở vật chất lẫn
con người. Tuy nhiên, đến thời điểm này, giáo dục phổ thông phải thay đổi để
có thể đáp ứng được các nhu cầu mới của một thời đại mới. Các trường
của chúng ta hiện nay còn thiên nhiều về dạy chữ hơn dạy người, dạy kiến thức
hơn dạy kỹ năng mềm.
PV: Để một nền giáo dục phát triển một cách bền vững,
toàn diện và thật sự chất lượng (ở mọi khía cạnh) theo chị chúng ta cần phải
làm gì, xây dựng những điều gì trong cái gọi là nền tảng cơ bản cho quá trình
chấn hưng và nâng tầm giáo dục Việt Nam?
Xây dựng kế hoạch chiến lược phù hợp hơn với mục tiêu
GD&ĐT; thay đổi cơ chế quản lý GD&ĐT; đào tạo lại và đào tạo mới các
nhà quản lý GD để có tính chuyên nghiệp hơn, có tầm nhìn, dám làm và dám chịu
trách nhiệm; dành nhiều quyền tự chủ hơn cho các trường ĐH; củng cố hoạt động
đảm bảo và kiểm định chất lượng.
PV: Với một người làm nghiên cứu về các quy luật vận
động, phát triển của một nền giáo dục, về các mối quan hệ biện chứng giữa giáo
dục với nền kinh tế và phạm trù văn hóa xã hội. Chị đánh giá thế nào về việc
phát triển của nền giáo dục Việt Nam trên tổng hòa các mối quan hệ ấy?
Tôi
không nghĩ mình là người làm nghiên cứu về các quy luật vận động, phát triển
của một nền giáo dục dù tôi có đọc nhiều về các thay đổi của một số hệ thống
giáo dục. Chúng ta thường được học và nghe nhiều đến vấn đề duy vật biện
chứng, vật chất quyết định tinh thần, hạ tầng cơ sở quyết định thượng tầng
kiến trúc…Giáo dục tự nó không tồn tại độc lập mà có mối liên hệ chặt chẽ với
kinh tế và văn hóa. Theo tôi, ở rất nhiều nước trên thế giới, giáo dục là nơi
thay đổi chậm nhất. Ở Việt Nam cũng vậy. Tuy nhiên, giáo dục có thể
góp phần vào việc phát triển, tái tạo xã hội vì đối tượng của giáo dục luôn
là con người. Giáo dục Việt Nam chịu ảnh hưởng rất nhiều của kinh tế và
văn hóa, giáo dục Việt Nam cũng đóng góp nhiều trong việc cung cấp nguồn nhân
lực cho kinh tế và làm giàu nền văn hóa Việt Nam. Tuy nhiên, tôi vẫn mong là
giáo dục Việt Nam cần phải làm nhiều hơn thế, do hiện nay, chúng ta vẫn đang
gởi rất nhiều sinh viên, người học ra nước ngoài để có được nền giáo dục tốt
hơn. Rõ ràng, trong thời gian gần đây, nhiều người trong số những con người
đó đã trở về và đóng góp nhiều cho kinh tế, giáo dục và cả văn hóa Việt Nam.
Thực hiện: Nguyễn Anh Tú
(Phóng viên Báo Giáo Dục & Thời Đại)
|